Lãi USD trong nước 0%, sao ngân hàng vẫn phải vay nước ngoài?

“Tại sao trong bối cảnh lãi suất USD huy động trong nước là 0%, một ngân hàng Việt Nam lại phải đi vay ngoại tệ từ nước ngoài?”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy thắc mắc tại một hội thảo diễn ra tuần qua.

Lãi USD trong nước 0%, sao ngân hàng vẫn phải vay nước ngoài?

Với thị trường trong nước, để một lúc huy động được lượng lớn ngoại tệ, đặc biệt là trung dài hạn, doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn, rất khó thành công - Ảnh: Quang Phúc.

MINH ĐỨC

“Tại sao trong bối cảnh lãi suất USD huy động trong nước là 0%, một ngân hàng Việt Nam lại phải đi vay ngoại tệ từ nước ngoài?”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy thắc mắc tại một hội thảo diễn ra tuần qua. 

Ông Thúy xem đây “là cả một vấn đề”.

Hội thảo trên diễn ra ngay sau thông tin Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa ký xong khoản vay 200 triệu USD với 18 ngân hàng nước ngoài.

Một sự chối bỏ?

Tại đây, ông Thúy nhấn mạnh thêm: “Chúng ta vay 200 triệu USD, lãi suất là bao nhiêu? Tại sao phải đi vay khi lãi suất huy động ở Việt Nam là 0%, tức lãi vay trong dân là 0. Nhà kinh doanh không bao giờ đi vay mà bỏ chỗ lãi suất rẻ để đi tìm nơi có lãi suất cao, nhưng họ lại phải đi vay tới 200 triệu USD. Đây là cả một vấn đề”.

Từ thực tế trên, liệu có phải nguồn vốn ngoại tệ trong nước phải chăng đang bị “vô cảm” trước gánh nặng mà doanh nghiệp và ngân hàng thương mại phải đi ra nước ngoài vay vốn?

Đáng chú ý, năm nay, dự kiến Chính phủ cũng sẽ lên kế hoạch để có thể đi vay quốc tế khoảng 3 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu.

Hiện lãi vay cụ thể khoản 200 triệu USD nói trên của VietinBank không được tiết lộ. Trước đây ngân hàng này cũng từng đi vay như vậy với lãi suất lên tới 8%/năm. Những đợt huy động bằng trái phiếu quốc tế của Chính phủ trước đây cũng phải chịu lãi suất trong khoảng 5-8%/năm…

Trong khi đó, như vấn đề nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy đặt ra ở trên, lãi suất huy động USD trong nước thì 0%/năm, theo trần quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

Câu hỏi chung đặt ra: phải chăng cơ chế trần và mức lãi suất tiền gửi USD 0%/năm hiện nay là một sự chối bỏ đối với nguồn lực vốn ngoại tệ trong nước, hay cơ chế lãi suất đó đã không huy động được nguồn lực này, khiến doanh nghiệp, ngân hàng và Chính phủ phải đi vay nước ngoài với chi phí cao?

Nội địa khó đáp ứng

Trả lời câu hỏi trên, VnEconomy đã tìm hiểu cụ thể về khoản vay của VietinBank.

Lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hiện tại VietinBank không thiếu hụt ngoại tệ. Khoản vay trên gắn với nhu cầu và tính toán riêng của họ.

Hỏi trực tiếp lãnh đạo VietinBank, Tổng giám đốc Lê Đức Thọ cho hay, khoản vay 200 triệu USD vừa qua nhằm mục đích cân đối nhu cầu vốn, đã được tính toán và đàm phán với các đối tác để có lãi suất hợp lý.

“Đây là khoản vay dài hạn, điều mà để huy động trong nước gần như là rất khó”, ông Thọ giải thích.

Tham vấn thêm ý kiến chuyên gia, nhận định tương tự cũng được nhấn mạnh, như lý giải cho sự “vô cảm” của nguồn vốn ngoại tệ trong nước, không chỉ hiện nay mà suốt chiều dài vận động của cơ chế chính sách và lãi suất trong nhiều năm trước đây.

“Vấn đề ở đây đơn giản thôi. Với thị trường trong nước, để một lúc huy động được lượng lớn ngoại tệ, đặc biệt là trung dài hạn, doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn, rất khó thành công”, một chuyên gia trả lời VnEconomy.

Ông dẫn thực tế, nhiều năm trước, lãi suất huy động USD từng lên tới 6,5-7%/năm, nhưng nguồn vốn gửi các kỳ hạn dài có tỷ trọng rất thấp. Phần lớn nguồn tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp và dân cư chỉ ở các kỳ hạn ngắn, độ lỏng lớn.

Năm 2015, thị trường ghi nhận sự kiện lần đầu tiên Chính phủ huy động được 1 tỷ USD từ đầu mối Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Tuy nhiên, nỗ lực nội địa này là hữu hạn, chịu ràng buộc nhạy cảm với ổn định của thị trường và tỷ giá trên cơ sở cân đối cung - cầu ngoại tệ…

Kích thích chuyển đổi

Tình huống khác đặt ra, giả dụ VietinBank hay Chính phủ chào lãi suất huy động cao vẫn có thể huy động được vốn ngoại tệ nội địa, trong dân cư và doanh nghiệp, với yêu cầu trung dài hạn. Dù vậy, lãi suất huy động cao đối với USD lại đi ngược với mong muốn chính sách hiện nay.

Trước hết, nếu áp lãi suất huy động USD cao trở lại, có thể tiên lượng sự ổn định tỷ giá hiện nay và mục tiêu dài hơn dễ bị phá vỡ, tâm lý găm giữ ngoại tệ càng cô đặc, thị trường và thanh khoản ngoại tệ dễ rơi vào ngột ngạt và bất thường.

Vậy, nếu cứ áp cơ chế trần lãi suất tiền gửi USD với 0% hiện nay có phải là một sự chối bỏ một nguồn lực?

Theo chuyên gia VnEconomy tham vấn, trả lời câu hỏi trên cần đặt trong tổng thể các mục tiêu, các giải pháp đồng bộ khác của chính sách.

Trực tiếp nhất, trần lãi suất 0%/năm nhằm đánh vào lợi ích nắm giữ ngoại tệ, kích thích chuyển đổi, theo định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đang làm: chuyển quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ giao dịch mua bán.

Khi tạo được sự dịch chuyển, người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sang VND, nguồn lực ngoại tệ đó được chuyển hóa chứ không phải là một sự chối bỏ. Vấn đề là, có sự chuyển đổi đó hay không, có mở rộng được hay không?

Câu trả lời tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Ví như, đảm bảo được lợi ích nắm giữ VND vượt trội hơn (như lãi suất VND được 7-8%/năm, mức tăng tỷ giá chỉ 3-4%/năm) sẽ kích thích người dân và doanh nghiệp chuyển đổi USD thành VND, và điều này cần lộ trình và thời gian.

Như ở một chính sách khác có một số điểm tương đồng, Ngân hàng Nhà nước đã từng phải mất 3-4 năm quyết liệt mới thấy được biểu hiện người dân “chán vàng” thời gian gần đây, một phần cũng do hạn chế cơ hội đầu cơ chờ giá vàng lên xuống như những năm trước đây.

Quan trọng hơn, ở tầm vĩ mô phải có chính sách khuyến khích xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối để tăng nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế. Đảm bảo vĩ mô ổn định cũng sẽ giảm bớt tâm lý phòng thủ găm giữ của dân cư và doanh nghiệp ở ngoại tệ.

Và như những năm gần đây, một khi đã chọn mục tiêu ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cần có cam kết mạnh mẽ trong điều hành, nhằm đảm bảo niềm tin và lợi ích nắm giữ VND, qua đó kích thích mở rộng hơn hướng chuyển đổi nguồn vốn ngoại tệ trong nền kinh tế.

Bài viết liên quan